Thiếu thời Friedrich II của Phổ

Ngày 24 tháng 1 năm 1712, Friedrich chào đời tại Berlin. Ông là con của vua Phổ Friedrich Wilhelm I (1668 – 1740) và Hoàng hậu Sophia Dorothea xứ Hanover (1687 – 1757) - con gái vua Anh-Tuyển hầu tước xứ Hanover George I. Friedrich có tổng cộng là 14 anh chị em, nhưng trong số đó chỉ 10 người sống đến tuổi trưởng thành.[2]

Lúc ông ra đời, nước Phổ nằm dưới quyền thống trị của ông nội ông - Quốc vương Friedrich I. Trước kia, Friedrich I có hai người cháu chết yểu, vì vậy, nhà vua đặt nhiều hy vọng vào Friedrich. Chính vị vua này dùng cái tên của chính mình để đặt cho cháu nội, cũng hàm ý muốn đứa cháu này kế thừa Vương quốc Phổ - Brandenburg.[3] Bản thân Friedrich cũng là một đứa bé khỏe mạnh.[4] Vào ngày 31 tháng 1 năm 1712, khi ông được một tháng tuổi, vị Hoàng tôn được làm lễ rửa tội, cái tên "Karl" không được đặt và Friedrich trở thành tên chính thức của ông.[5]

Sự giáo dục và những bất hòa với vua cha

Vua Friedrich Wilhelm I, Hoàng hậu Sophia cùng Thái tử Friedrich và Hoàng tử August Wilhelm.

Vua Friedrich Wilhelm I mong muốn các con của mình sẽ được dạy dỗ khác với những Vương gia quyền quý trong Hoàng gia Phổ, nhưng giống như những người bình dân. Trước đây, Friedrich Wilhelm từng được dạy dỗ bởi một phụ nữ Huguenot chỉ nói tiếng Pháp tên là Madame de Montbail, tức Madame de Rocoulle sau này, và Friedrich Wilhelm I mong muốn bà sẽ tiếp tục giáo dục các con của nhà vua. Hoàng tử Friedrich được các gia sư Huguenot giáo dục, và ông vừa học tiếng Pháp vừa học tiếng Đức. Nhà vua cho các thầy cô dạy Hoàng tử từ 6h sáng đến 22h30 tối. Mặc dù Friedrich Wilhelm I có khẩu dụ rằng giáo dục chỉ hoàn toàn mang màu sắc tôn giáo và thực dụng song với sự giúp đỡ của thầy Jacques Duhan Friedrich đã có được ba nghìn cuốn sách nói về thơ phú, văn học cổ điển Hy Lạp - La Mã, và triết học Pháp để bổ sung kiến thức sau những khóa học chính của ông.[6] Friedrich từ nhỏ đã sống gần mẹ nên chịu ảnh hưởng nhiều từ bà về văn học và nghệ thuật.

Friedrich rất ham đọc sách và thường lén vua cha tìm mua các loại sách vở đến mức phải bị mắc nợ. Về phía mình, vua Friedrich Wilhem I không muốn con trai của mình học văn chương vì sợ ông tiêm nhiễm phải sự nhu nhược. Nhà vua từng cầm gậy đánh của vị thầy dạy tiếng La Tinh cho Friedrich và sau đó đánh cả con trai mình vì tội dám học "tiếng nói của loài chim". Điều này đã khiến mối quan hệ giữa Friedrich và vua cha bị rạn nứt trong một thời gian dài.[7][8] Dù Friedrich Wilhelm I được nuôi dạy thành một tín đồ sùng đạo của thần học Calvin, nhà vua lo sợ rằng mình sẽ không được Thiên Chúa chọn lên Thiên đường. Để Friedrich khỏi phải suy nghĩ như vậy, nhà vua ra lệnh cho các thầy không dạy thuyết thiên định cho Thái tử. Bất chấp lệnh này, Friedrich đã thừa nhận thuyết thiên định, dù là một người không trọng tín ngưỡng. Một số học giả cho rằng, Friedrich tử đã cố tình làm trái ý với vua cha.[9]

Không những thân thiết với mẹ, Friedrich còn trở nên thân thiết với người chị ruột là Friederike Sophie Wilhelmine - người bạn thân của ông trong suốt đời. Năm 16 tuổi, Friedrich lại kết bạn với người lính hầu 13 tuổi của vua cha là Peter Karl Christoph Keith. Theo lời kể của Công chúa Wilhelmina, tình bạn giữa Friedrich và Peter Keith sớm trở nên gắn bó:[10]

Keith là kẻ thông minh, dù không được giáo dục. Anh ta phục vụ em tôi rất tận tụy, và cho em tôi Friedrich biết về tất cả mọi việc làm của vua.
— Công chúa Wilhelmina

Hai cuộc hôn nhân bất thành

Hoàng tử Friedrich lúc ba tuổi cùng chị gái 6 tuổi là Wilhelmina, tranh của Antoine Pesne.

Đầu năm 1730, Hoàng hậu Sophia Dorothea - vốn là người có quan hệ huyết thống với Hoàng gia Anh Quốc[11] - cố gắng dàn xếp cuộc hôn nhân kép giữa Thái tử Friedrich và Công chúa Wilhelmina với các con của vua Anh Quốc George II: Công chúa Amelia và anh trai là Thái tử Frederick. Sophia Dorothea xem hai cuộc hôn nhân này là "toàn thiện toàn mỹ".[11]

Tuy nhiên, lo sợ về một liên minh giữa hai nước Phổ và Anh, Thống chế von Seckendorff - đại sứ Áo ở Berlin, đã lần lượt đút lót Thống chế von Grumbkow và Benjamin Reichenbach - Bộ trưởng Chiến tranh Phổ và viên Đại sứ Phổ ở Luân Đôn. Cặp đôi này đã thận trọng phỉ báng Triều đình Anh với vua Phổ cũng như phỉ báng Triều đình Phổ với vua Anh. Đồng thời, vua Friedrich Wilhelm I cũng lo sợ thế lực của Đế quốc Anh sẽ vươn tới nội địa nước Phổ - Bradendenburg, nhất là sau khi Tuyển hầu tước George Louis của xứ Hanover lên nối ngôi vua Anh.[11]

Tức giận vì ý tưởng của Thái tử Friedrich bất lực được người Anh rất đề cao, vua Friedrich Wilhelm I đã yêu cầu người Anh những điều mà họ không thể làm được, chẳng hạn như nhượng cho vua Phổ các xứ JülichBerg - đòi hỏi đã dẫn tới sự tan vỡ của dự định hôn nhân.[12]

Âm mưu trốn chạy bất thành

Vua Friedrich Wilhem I lại có ý định khác về vấn đề hôn nhân của con trai mình. Nhà vua có ý định gả Friedrich cho Elisabeth xứ Mecklenburg-Schwerin (cháu gái của Nữ hoàng Nga là Anna). Tuy nhiên, Vương công Eugène xứ Savoie (François-Eugène de Savoie-Carignan) phản đối kịch liệt ý đồ này. Bản thân Friedrich muốn cưới Maria Theresia (con gái của Hoàng đế La Mã Thần thánh), đổi lại ông mất quyền kế vị. Tuy nhiên, Vương công Eugène thuyết phục nhà vua gả Friedrich cho Quận chúa Elisabeth Christine xứ Brunswick-Bevern (1715 – 1797) - một tín đồ Tin Lành,[13] cháu gái của Maria Theresia.[14]

Friedrich đã kịch liệt phản đối dự định gả ông cho Elisabeth Christine. Ông nói: "Tôi sẽ không bao giờ lấy con ngỗng ngốc nghếch đó." Dù vua cha Friedrich Wilhelm I đã công khai răn đe Friedrich II tại nơi công cộng, có lần nhà vua đã dùng roi quất Friedrich và cô bé đánh đàn dương cầm khi ông thổi sáo rất dữ dội trên đường phố Potsdam, nhà vua vẫn không thể khuất phục được ông. Với sự giúp đỡ của mẫu hậu và Công chúa Wilhelmina, Friedrich đã lập mưu bỏ trốn sang Vương quốc Anh để tìm ý trung nhân của mình.[11] Đó là năm vị Thái tử mới 18 tuổi; Friedrich lập mưu bỏ trốn sang Vương quốc Anh cùng với bạn mình là Trung uý Hans Hermann von Katte và một số sĩ quan cấp thấp trong Quân đội Phổ. Vào tháng 8 năm 1730, Friedrich Wilhelm I có một chuyến thị sát ở miền Tây Nam Đức và nhà vua đã cho con trai mình đi theo.[15] Vào ngày 5 tháng 8 năm 1730, khi đoàn của họ gần đến Mannheim ở Tuyển hầu quốc Rhine thì Robert Keith, anh của Peter Karl Christoph Keith, đem kế hoạch của họ khai báo với vua Friedrich Wilhelm I và cầu xin được khoan hồng.

Trung úy Hans Hermann von Katte bị hành hình.

Đôi bạn Friedrich von Hohenzollern và Hans Hermann von Katte cùng bị bắt giam ở Küstrin. Vì hai người đều là sĩ quan tính trốn sang Anh, nhà vua kết tội phản quốc cho cả hai. Nhà vua dọa sẽ xử tử hình Friedrich, sau đó đổi ý buộc ông phải nhường tước vị thái tử lại cho em mình là August Wilhelm (1722 -1758), mặc dù cả hai hướng đều hoàn toàn không khả thi. Tuy Tòa án Quân sự đã không hề gây tổn hại đến Hoàng tử và chỉ tuyên án tù chung thân đối với Katte, vua cha Friedrich Wilhelm lại truyền lệnh: Vào ngày 6 tháng 11 năm 1730, ông buộc phải chứng kiến Katte bị xử trảm tại Küstrin (Kostrzyn), một pháo đài trên sông Oder. Dù vậy, khi sống trong nhà ngục, Friedrich vẫn được đối xử tử tế đúng theo quy cách dành cho một Hoàng tử. Ông được chăm sóc chu đáo và thậm chí, vua cha còn cử một triều thần có kiến thức uyên thâm về thuật trị quốc đến sống chung và đàm đạo với con trai. Dưới sự gợi mở của người này, Friedrich đã phác thảo cho riêng mình một kế hoạch phát triển kinh tế nói chung và phát triển ngành dệt nói riêng cho Vương quốc Phổ. Theo thời gian, sự rạn nứt trong quan hệ cha con nhà vua dần dần được hàn gắn. Friedrich đã bình tâm hơn và ông không muốn mất ngôi Thái tử vì việc mãi chống đối với vua cha. Còn Friedrich Wilhelm I thì càng lúc càng nhớ thương con trai. Cuối cùng, Friedrich đã xuống nước viết một lá thư xin lỗi gửi cho vua cha Friedrich Wilhelm I. Friedrich Wilhelm I cảm thấy rất vui mừng, nhà vua vội đến ngục thăm con và ân xá Friedrich.[11][16]

Tranh vẽ Friedrich II, được treo ở Lâu đài Friedrichsfelde tại Berlin-Lichtenberg. Chưa rõ là họa phẩm của ai.

Như vậy, Friedrich được ân xá và rời khỏi xà lim vào ngày 18 tháng 11 năm 1730, nhưng vẫn không nhận lại được cấp bậc trong quân đội mà ông bị tước trước đó.[17] Hơn nữa, ông không được về Berlin, mà phải chịu sự giáo dục chặt chẽ về phương pháp trị quốc của Bộ Chiến tranh và Bộ Quản lý đất đai, kể từ ngày 20 tháng 11 năm 1730.[18] Tình hình dịu thêm vào ngày 15 tháng 8 năm 1731, khi Friedrich tiếp kiến vua cha nhân lễ mừng thọ 43 tuổi của Friedrich Wilhelm I.[19] Vài tháng sau, Friedrich Wilhelm I lại triệu hồi ông về Berlin để dự lễ cưới của chị ông là Wihelmina với Bá tước Friedrich xứ Bayreuth vào ngày 20 tháng 11 năm 1731. Cuối cùng, ông kết thúc khoá học tại Küstrin và trở về Berlin vào ngày 26 tháng 1 năm 1732. Từ đó ông sống xa cách với Công chúa Wilhelmina.

Hòa thuận với vua cha

Mặc dù Friedrich đã tính đến chuyện tự tử thay vì lấy Elisabeth Christine, lễ cưới giữa hai người được thực hiện vào ngày 12 tháng 6 năm 1733. Friedrich bực bội cho rằng cuộc hôn nhân mang màu sắc chính trị này như một trong những hành động của Áo nhằm quấy rối Phổ[14]. Sau khi lên nối ngôi năm 1740, ông không cho phép Elisabeth đến cung vua tại thành phố Potsdam, bà chỉ được phép sống ở cung điện Schönhausen và những căn phòng tại Berliner Stadtschloss. Friedrich II và Elisabeth cũng không có con, vì thế ông phong cho người em August Wilhelm làm "Thái đệ nước Phổ"; tuy nhiên, những điều này không dẫn đến việc Friedrich và Elisabeth ly hôn.[20]

Ngày 27 tháng 11 năm 1731, Friedrich Wilhelm I hồi phục gươm và quân phục cho thái tử đồng thời cử ông chỉ huy Trung đoàn von der Goltz, đóng tại đồn gần NauenNeuruppin.[18] Trong Chiến tranh Kế vị Ba Lan, Friedrich Wilhelm I gửi một đạo quân Phổ đến giúp Quân đội Áo. Trong chiến dịch đánh Pháp trên sông Rhine, Friedrich được vương công Eugène xứ Savoie dạy về sách lược quân sự.[21] Eugène đã tiên đoán rằng các quốc gia châu Âu sẽ phải bất ngờ trước những chính sách hiếu chiến của Friedrich, một khi ông lên kế vị ngai vàng Phổ.[22] Theo lệnh của Friedrich Wilhelm I (bấy giờ đã yếu đi vì mắc phải căn bệnh gút trong chiến dịch chống Pháp), ông tới Schloss Rheinsberg tại Rheinsberg, nằm ở phía bắc Neuruppin.

Chân dung thái tử Friedrich, thực hiện bởi Antoine Pesne.

Từ đó vị Thái tử trẻ đã sống ở Rheinsberg suốt bốn năm. Ông đã có thể tự ý xem đủ mọi loại sách vở, đồng thời cũng thường mời một số bạn hữu cùng chí hướng đến bàn chuyện thế sự hay ngâm thơ, viết văn. Tại Rheinsberg, Friedrich tụ tập một nhóm nhỏ các nghệ sĩ, gồm những diễn viên, nhạc sĩ, v.v… Ông đọc tiểu sử các danh tướng, xem kịch, soạn nhạc và nghe nhạc. Ông xem thời gian này là một trong những giai đoạn an nhàn nhất trong cuộc đời ông. Ngoài ra, ông còn lập ra "Huy chương Bayard" để bàn luận về việc quân sự với các bạn của mình. Trong các cuộc tranh luận việc quân, nhóm bạn của Friedrich tôn Heinrich August de la Motte Fouqué làm "Đại sư". Trong thời gian này, Friedrich đã chủ động viết thư cho nhà triết học lừng danh Voltaire và tạo được duyên bút mực với nhà tư tưởng lớn này.[23] Dĩ nhiên là Friedrich Wilhelm I không bao giờ quên việc đào luyện cho con trai mình thành một nhà kế vị tương lai. Nhà vua thường phái con trai đi giám sát đôn đốc việc thu thuế với tư cách là Thái tử, đồng thời cho Friedrich đi sâu vào quân đội để hiểu rõ tình hình quân đội Phổ và làm quen với các tướng lĩnh cao cấp của Phổ. Dần dần, Friedrich đã trở nên yêu thích, có nhiều hiểu biết sâu sắc về tình hình đất nước và quân đội Phổ, đồng thời đã có nhiều chủ kiến riêng của mình về các vấn đề này.[24]

Tác phẩm "Bàn về Quân chủ" (tên tiếng Ý: De Principatibus) hay "Quân Vương" (Il Principe) của nhà triết học Niccolò Machiavelli vẫn được xem như kim chỉ nam cho đạo trị quốc ở các nước phương Tây trong thời đại của Friedrich von Hohenzollern. Tuy nhiên, năm 1739, Thái tử Friedrich hoàn tất bài tiểu luận "Chống chủ nghĩa Quyền thuật" (tên tiếng Đức: Antimachiavellismus), phản bác tư tưởng của Niccolò Machiavelli. Trong tác phẩm này ông đã cực lực bác bỏ quan điểm "khi cần thiết phải dùng đến bạo lực và sự phỉnh gạt" của Machiavelli, cho rằng quan điểm này đã phá hỏng sự tôn nghiêm của một vị vua. Đồng thời Friedrich cũng chủ trương "cai trị quốc gia trên quan điểm công bằng, nhân từ, bác ái" và "nhà vua không phải là một đấng cầm quyền chuyên chế, là công bộc đầu tiên của Quốc gia".[25][26] Friedrich đã đem bản thảo đưa cho Voltaire nhờ triết gia này hiệu đính, và đã được Voltaire đánh giá cao. Qua tác phẩm này, Voltaire cho rằng Friedrich là một vị vua sáng suốt của châu Âu trong tương lai, nhà văn còn nhiệt tình hiệu đính bản thảo cho Friedrich và xuất bản quyển sách này tại Hague.[27] Tác phẩm được xuất bản ẩn danh năm 1740, và được Voltaire quảng bá rộng rãi tại Amsterdam.[28] Tác phẩm đã làm Friedrich nổi tiếng với quan điểm "nhà vua là công bộc đầu tiên của Quốc gia".[27] Sau nhiều năm tập trung hết mình vào nghệ thuật thay vì chính trị, ông được tin vua cha Friedrich Wilhelm I qua đời vào ngày 31 tháng 5 năm 1740 tại Postdam. Friedrich lên ngôi Quốc vương Phổ kiêm Bá tước Brandenburg.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Friedrich II của Phổ http://www.1902encyclopedia.com/F/FRE/frederick-ii... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/222700/F... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/239929/J... http://www.britannica.com/eb/article-9060581 http://www.cliffsnotes.com/WileyCDA/LitNote/Candid... http://www.encyclopedia.com/html/L/Lagrange.asp http://books.google.com/books?id=-1IEAAAAMBAJ&lpg=... http://books.google.com/books?id=_9sImYb5e1AC&pg=P... http://www.heritage-history.com/www/heritage.php?D... http://www.historicreeseville.com/early2.htm